0707 456 448

TP HCM cần đột phá vào lĩnh vực giao thông

Thành phố cần đột phá vào hạ tầng giao thông kết nối vùng nếu muốn phát triển và không bị bó buộc, theo TS Trần Du Lịch.

Ý kiến này được ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, nêu tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do UBND thành phố tổ chức, ngày 5/5.

“Tôi rất buồn vì chúng ta quy hoạch các đường vành đai nhưng đến nay chưa cái nào hoàn thành. Vành đai 2 còn đứt đoạn, Vành đai 3 dang dở, Vành đai 4 chưa biết khi nào làm. Đường bao nhiêu mét đã có hết trong quy hoạch, nhưng thực tế không tiến triển”, ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, hạ tầng giao thông kết nối vùng là bất cập lớn nhất với TP HCM hiện nay. Việc giải quyết vấn đề này đang quá chậm trễ. Nếu không tạo sự đột phá, TP HCM sẽ bị bó buộc và không phát triển được. Liên kết vùng cũng không thể thực hiện.

Liên quan vấn đề giao thông liên kết vùng, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng nói rằng các cửa ngõ kết nối giữa TP HCM và Đồng Nai đều bị kẹt cứng. Việc này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của thành phố cũng như các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Nguồn lực của Trung ương cho vùng chỉ chiếm 18,5% tổng vốn đầu tư cả nước là trở ngại cho các địa phương. Tỷ trọng này rất ít so với đóng góp của thành phố và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, bà Hoàng nói và cho biết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là khu vực đóng góp lớn nhất GRDP và ngân sách quốc gia.

Cầu Bình Khánh nối huyện Nhà Bè – Cần Giờ (TP HCM), nằm trên tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, bị ngưng xây dựng do thiếu vốn. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng để phát triển kinh tế – xã hội, TP HCM và các tỉnh lân cận cần đầu tư các công trình giao thông có tính liên vùng. Trong đó, cần sớm thực hiện dự án cầu Cát Lái qua sông Đồng Nai; mở rộng cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây lên 10-12 làn; đẩy nhanh tiến độ làm đường Vành đai 3, 4; đường sắt cao tốc Bắc – Nam đoạn Sài Gòn – Nha Trang cũng như đường sắt nhẹ từ sân bay Tân Sơn Nhất tới sân bay Long Thành.

“Với vai trò anh cả của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hy vọng TP HCM sẽ ưu tiên các công trình liên kết vùng, nhất là trong bối cảnh chưa có thể chế vùng hay cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, bà Hoàng nói.

Trong khi đó, TS Vũ Thành Tự Anh, giảng viên ĐH Fulbright nói rằng để xây dựng chiến lược phát triển, cần phải định vị TP HCM đang ở đâu, có mục tiêu thế nào thời gian tới. Việc coi thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước là đúng nhưng chưa đủ, mà nên hướng tới mục tiêu thành phố là “siêu đô thị toàn cầu”.

“Một đô thị 13 triệu dân rất phức tạp và bề bộn nên thành phố cần chọn một số vấn đề ưu tiên để làm trước. Nếu ôm đồm nhiều thứ sẽ không đủ nguồn lực, thời gian để hoàn thành”, ông Anh nói và cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng cho thành phố sắp tới sẽ là cơ sở dữ liệu, khả năng tiếp cận, chia sẻ, bảo mật thông tin chứ không thuần tuý là điện, đường, trường, trạm như trước.

Trước đó, phát biểu khai mạc Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nói hơn 45 năm qua, TP HCM là đô thị lớn nhất nước về dân số và quy mô kinh tế. Giai đoạn 2016-2019, GRDP thành phố tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, góp hơn 22% GDP và 26% thu ngân sách cả nước.

Riêng năm 2020, ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thành phố vẫn cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kép, kinh tế tăng trưởng 1,39%, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng và đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia. Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách trên địa bàn TPHCM đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020.

“Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của kinh tế TP HCM”, ông Phong nói và cho biết lãnh đạo thành phố muốn lắng nghe các ý kiến, hiến kế nhằm đưa TP HCM trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, đẳng cấp khu vực và quốc tế…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *